Hạnh tích: Thánh GIACÔBÊ (tiền), Tông đồ
1. Thân thế của Giacôbê:
Giacôbê là con của ông Dêbêđê và bà
Salômê, anh của thánh Gioan Tông Đồ; sống nghề chài lưới ở biển Giênêgiaréth,
bạn chài với Phêrô và Andrê. Tin Mừng thường nhắc đến hai anh em Giacôbê và
Gioan Tông Đồ nhiều lần.
Họ thuộc nhóm những môn đệ tâm
giao của Chúa Giêsu (cùng với Phêrô và Gioan). Các ngài được chứng kiến:
·
Việc Chúa cho con gái ông Giairô sống
lại.
·
Sự hiển dung của Chúa ở đồi Thabor.
·
Lúc Chúa cầu nguyện ở vườn Cây Dầu.
Giacôbê là người đầu tiên trong Nhóm
Mười Hai đã lấy máu đào của mình làm chứng cho Chúa Giêsu: vua Hêrôđê Antipa đã
ra lệnh chặt đầu ngài vào năm 44 (Cv 12,2; Mt 20,22-23). Như thế ứng nghiệm lời
Chúa tiên báo cho ông: “ông đã thông chia chén của Chúa”.
2. Tính tình của Giacôbê: Giacôbê
được gọi là vị Tông Đồ cao vọng (Mt 20,20).
Giacôbê được Chúa gọi là “con của
thiên lôi”, điều này cho thấy rằng ông là con người nóng nảy và cuồng nhiệt đến
thế nào. Quả vậy, phản ứng của ông đối với các dân thành Samaria đã giải thích
điều đó. Khi Chúa qua con đường Samaria để về Giêrusalem, dọc đường những người
Samaria đã từ chối không đón tiếp Chúa, Giacôbê đã đế nghị với Chúa: “Thưa
Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt chúng không?”
(Lc 9,54).
Cao vọng của Giacôbê còn được thể hiện
qua sự việc bà Salômê, là mẹ của ông, đã thỉnh cầu Chúa Giêsu cho Giacôbê và
Gioan rằng: “Xin Ngài truyền lệnh cho các con tôi đây được ngồi một đứa bên tả,
một đứa bên hữu Ngài trong Nước của Ngài” (Mt 20,21).
Cao vọng của người mẹ truyền sang cho
người con đến độ người mẹ không xin thì con cũng tự xin. Bằng chứng là Márcô kể
lại câu chuyện thỉnh nguyện này mà không nhắc đến người mẹ, nhưng chỉ kể
Giacôbê và Gioan tự miệng nói ra câu ấy (Mc 10,37).
Tuy Giacôbê có cao vọng như vậy, nhưng
Chúa vẫn chọn ông và tín nhiệm ông, và Người đã hoán cải ông. Chúa hoán cải các
môn đệ:
·
Bằng đời sống gương mẫu của ngài: Chúa
Giêsu rửa chân cho các Tông Đồ và Người bảo các Tông Đồ hãy rửa chân cho nhau,
vì “Ai muốn làm lớn trong anh em, thì hãy hầu hạ anh em” (Mt 20,27).
·
Bằng cái chết của Người: con Người đến
để thí mạng sống mình hầu làm giá chuộc thay cho nhiều người (Mt 20,28). Các
Tông Đồ đã lần lượt chịu tử đạo để theo gương Chúa.
3. Nhận thức và áp dụng:
Thánh Giacôbê thuộc giới thợ thuyền
làm nghề chài lưới vất vả; đàng khác lại có tham vọng đi ngược với vai trò và
tinh thần của người tông đồ, nhưng Chúa Giêsu vẫn gọi và chọn ông đi theo Chúa
và làm Tông Đồ cho Chúa. Điều này chứng tỏ ơn thánh của Chúa Kitô quả có sức
làm biến đổi tâm hồn và cuộc sống của Giacôbê đến độ ông đã hiến mình trọn vẹn
cho Chúa.
Noi gương thánh Giacôbê: người tông đồ
không nên tự ty mặc cảm về những hèn kém của mình, nhưng tin tưởng vào tình
thương và sức mạnh của ơn Chúa để hiến thân trọn vẹn cho Chúa.
Đi theo Chúa, Giacôbê vẫn còn có những
tham vọng phàm trần, song nhờ sự giáo huấn của Chúa và nhất là gương sống của
Chúa đã khiến ông từ bỏ mọi sự và từ bỏ chính bản thân mình để hiến mình cho
Chúa cách trọn vẹn.
Người tông đồ cần lắng nghe lời Chúa
để đón nhận những giáo huấn của Chúa; đồng thời phải biết chiêm ngắm gương sống
của Chúa để noi gương bắt chước sống trọn vẹn cho Chúa.
Giacôbê được Chúa dành riêng trong
nhóm những người thận cận của Chúa để được chứng kiến những sự việc cần thiết
cho sứ mạng làm chứng nhân trong vai trò người Tông Đồ.
Những ai được mời gọi sống đời thánh
hiến, cũng được tuyển chọn riêng trong thời gian tu luyện để tìm gặp Chúa, đến
với Chúa, ở lại với Chúa và để được biến đổi trở nên đồng hình đồng dạng với
Chúa, hầu có thể chu toàn sứ vụ tông đồ của mình.
TGP SG
0 comments:
Đăng nhận xét